Dịch VụTin Tức

Cấp giấy phép vận chuyển chất, hàng nguy hiểm về cháy, nổ

Cấp giấy phép vận chuyển chất, hàng nguy hiểm về cháy, nổ

Phòng cháy chữa cháy (PCCC) là tổng hợp các biện pháp, giải pháp kỹ thuật nhằm loại trừ hoặc hạn chế đến mức tối đa các nguy cơ xảy ra cháy, nổ, đồng thời tạo các điều kiện thuận lợi, phù hợp cho công tác cứu người, cứu tài sản, chữa cháy, chống cháy lan hiệu quả và làm giảm thiểu tối đa các thiệt hại do cháy, nổ gây ra.

  1. Trình tự thực hiện

Cá nhân, tổ chức chuẩn bị hồ sơ theo quy định của pháp luật.

Bước 1: Tiếp nhận hồ sơ

– Cá nhân, tổ chức nộp hồ sơ tại Bộ phận một cửa Phòng PC07. Trường hợp ủy quyền cho một cá nhân, đơn vị khác thực hiện thì phải có văn bản ủy quyền kèm theo.

– Cán bộ tiếp nhận hồ sơ kiểm tra tính hợp lệ, hợp pháp, đầy đủ của hồ sơ:

+ Trường hợp hồ sơ không thuộc phạm vi, thẩm quyền giải quyết thì hướng dẫn để cá nhân, tổ chức đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết;

+ Trường hợp hồ sơ chưa hợp lệ thì hướng dẫn cá nhân, tổ chức hoàn thiện hồ sơ theo Phiếu hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ (Mẫu số 01);

+ Trường hợp hồ sơ hợp lệ thì nhập vào Sổ theo dõi hồ sơ (Mẫu số 02) và phần mềm một cửa; lập và cấp Giấy tiếp nhận hồ sơ và hẹn trả kết quả (Mẫu số 03).

Bước 2: Chuyển hồ sơ

– Sau khi tiếp nhận hồ sơ theo quy định, cán bộ tiếp nhận hồ sơ lập Phiếu kiểm soát quá trình giải quyết hồ sơ (Mẫu số 04) và đính kèm vào hồ sơ.

– Cán bộ tiếp nhận hồ sơ nhập thông tin hồ sơ đã nhận vào máy tính và chuyển thông tin đó đến Đội 5 có nhiệm vụ trực tiếp giải quyết để phân công thực hiện trong vòng 01 giờ kể từ thời điểm tiếp nhận hồ sơ của cơ quan, tổ chức. Đồng thời, chuyển hồ sơ và Phiếu kiểm soát quá trình giải quyết hồ sơ cho đơn vị có nhiệm vụ trực tiếp giải quyết trong vòng 02 giờ kể từ thời điểm tiếp nhận hồ sơ. Phiếu kiểm soát quá trình giải quyết hồ sơ được chuyển theo hồ sơ và lưu tại Bộ phận một cửa;

– Đối với hồ sơ tiếp nhận sau 16 giờ 30 phút trở đi trong ngày thì Cán bộ tiếp nhận hồ sơ nhập thông tin hồ sơ đã nhận vào máy tính và chuyển thông tin đó đến đơn vị có nhiệm vụ trực tiếp giải quyết. Việc chuyển hồ sơ và Phiếu kiểm soát quá trình giải quyết hồ sơ cho đơn vị có nhiệm vụ trực tiếp giải quyết trong vòng 02 giờ kể từ 7 giờ 30 phút của ngày làm việc tiếp theo.

Bước 3: Giải quyết hồ sơ

Sau khi tiếp nhận hồ sơ, Đội 5 trực tiếp giải quyết thủ tục hành chính phân công Cán bộ thẩm định giải quyết như sau: Cán bộ được phân công tiếp nhận giải quyết hồ sơ có trách nhiệm kiểm tra thành phần và tính pháp lý của hồ sơ; sau khi kiểm tra hồ sơ và đối chiếu với các quy định của pháp luật, nếu:

– Hồ sơ không đảm bảo điều kiện theo quy định: Cán bộ giải quyết hồ sơ báo cáo lãnh đạo có thẩm quyền trả lại hồ sơ kèm theo văn bản hướng dẫn và nêu rõ lý do, nội dung cần điều chỉnh, bổ sung. Thời gian giải quyết được tính trong thời gian giải quyết hồ sơ.

– Hồ sơ đảm bảo điều kiện theo quy định: Cán bộ giải quyết hồ sơ báo cáo lãnh đạo có thẩm quyền lập kế hoạch tổ chức kiểm tra các điều kiện về an toàn PCCC đối với phương tiện vận chuyển chất, hàng nguy hiểm về cháy, nổ theo quy định của pháp luật; thông báo nội dung kế hoạch kiểm tra cho doanh nghiệp, cơ sở, cá nhân biết. Sau khi kiểm tra, phải lập biên bản theo mẫu số 03 ban hành kèm theo Nghị định số 83/2017/NĐ-CP ngày 18/07/2017 của Chính phủ quy định về công tác cứu nạn, cứu hộ của lực lượng PCCC.

+ Trường hợp phương tiện vận chuyển đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo quy định: Cán bộ được phân công giải quyết hồ sơ báo cáo đề xuất lãnh đạo có thẩm quyền cấp giấy phép vận chuyển chất, hàng nguy hiểm về cháy, nổ và chuyển kết quả cho Bộ phận một cửa.

+ Trường hợp phương tiện vận chuyển không đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo quy định: Cán bộ được phân công giải quyết hồ sơ báo cáo đề xuất lãnh đạo có thẩm quyền trả lại hồ sơ kèm theo văn bản hướng dẫn và nêu rõ lý do, nội dung cần điều chỉnh, bổ sung. Thời gian giải quyết được tính trong thời gian giải quyết hồ sơ.

– Đối với các hồ sơ quá hạn giải quyết: Đội 5 phải thông báo bằng văn bản cho Bộ phận một cửa cùng văn bản xin lỗi của lãnh đạo Phòng đến cá nhân, tổ chức (Mẫu số 05), trong đó ghi rõ lý do quá hạn, thời hạn trả kết quả, nhưng không quá một phần tư (1/4) thời gian quy định giải quyết thủ tục hành chính đó.

Bước 4: Trả kết quả giải quyết hồ sơ

Căn cứ theo ngày hẹn trên Phiếu biên nhận hồ sơ và trả kết quả, cá nhân, tổ chức đến nơi nộp hồ sơ để nhận kết quả.

* Thời gian tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả: Từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần (trừ ngày tết, lễ).

  1. Cách thức thực hiện

Trực tiếp tại Phòng PC07

  1. Thành phần hồ sơ

– Đơn đề nghị cấp giấy phép vận chuyển chất, hàng nguy hiểm về cháy, nổ;

– Bản sao có chứng thực hoặc bản sao kèm theo bản chính để đối chiếu các giấy tờ sau: Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện; giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường (đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ); giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường (đối với phương tiện thủy nội địa); giấy chứng nhận kiểm định bao bì, thùng, xi téc chứa chất, hàng nguy hiểm theo quy định của các Bộ, ngành (nếu có); hợp đồng vận chuyển chất, hàng nguy hiểm về cháy, nổ.

  1. Số lượng hồ sơ: 

    01 (một) bộ.

  2. Thời hạn giải quyết

Trong thời hạn không quá 10 ngày làm việc, kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ.

  1. Đối tượng thực hiện

Các loại phương tiện của tổ chức, cá nhân có trụ sở hoạt động, cư trú ở Thành phố Hồ Chí Minh đảm bảo điều kiện về PCCC qui định tại Khoản 1, Điều 6, Thông tư số 66/2014/TT-BCA; Nghị định số 104/2009/NĐ-CP ngày 09/11/2009 của Chính phủ được phép dùng để vận chuyển chất, hàng nguy hiểm về cháy, nổ.

  1. Cơ quan thực hiện thủ tục hành chính

Phòng PC07

  1. Kết quả thực hiện

Giấy phép vận chuyển chất, hàng nguy hiểm về cháy, nổ.

  1. Lệ phí

    Không

  2. Tên mẫu đơn, mẫu tờ khai

Đơn đề nghị cấp giấy phép vận chuyển chất, hàng nguy hiểm về cháy, nổ (Mẫu số PC02 ban hành kèm theo Thông tư số 66/2014/TT-BCA ngày 16/12/2014 của Bộ trưởng Bộ Công an).

  1. Yêu cầu, điều kiện thực hiện thủ tục hành chính

Phương tiện giao thông cơ giới phải bảo đảm các điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy và các điều kiện an toàn vận chuyển chất, hàng nguy hiểm về cháy, nổ khác.

0/5 (0 Reviews)

Bài viết liên qaun

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button